Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng nằm ở xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, là nơi đã hun đúc tinh thần yêu nước và lưu giữ nhiều hiện vật về cuộc đời hoạt động của một chí sĩ cách mạng.
Du lịch Quảng Nam, thăm nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng
Huỳnh Thúc Kháng sinh năm 1876, tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình nay là xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Năm 1904, ông đậu tiến sĩ; đến năm 1908, ông đứng đầu phong trào Duy Tân ở miền Trung, bị Pháp đày đi Côn Đảo 13 năm. Năm 1926, ông đắc cử dân biểu rồi được cử làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ.
Năm 1927, ông thành lập tờ báo Tiếng Dân nhằm tuyên truyền, đấu tranh yêu nước. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, ông làm Bộ Trưởng Bộ Nội vụ. Đến năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp đàm phán, cụ Huỳnh Thúc Kháng được cử làm quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng là một ngôi nhà do thân sinh cụ xây dựng từ năm 1869 bởi đôi bàn tay khéo léo của những người thợ mộc Văn Hà. Chính không gian sống này là nơi trau dồi kinh sử, hun đúc tinh thần hiếu học, ý chí vượt khó để cụ Huỳnh trở thành vị tiến sĩ Hán học nổi tiếng và sau này trở thành cánh tay đắc lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng tọa lạc trong khu vườn rộng có diện tích gần 4.000m2. Nhà gồm 3 gian, 2 chái; khung sườn đều làm bằng gỗ mít. Tổng thể kiến trúc bên trong mang dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn với các trính lượn cong, trên trính có các trỏng quả kê trên con đội chạm hình đầu lân. Một căn bếp được xây dựng kề với nhà trên và được nối bởi một cửa bên hông.
Bên trái và bên phải nhà được ngăn nhô ra phía trước. Bên phải là phòng ăn chung cả gia đình. Phía trái có ngăn phòng lồi là nơi cụ Huỳnh Thúc Kháng lúc sinh thời dùng làm nơi làm việc. Gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên, quanh bàn thờ có chạm khắc hoa văn cách điệu hình con dơi ngậm chuỗi vòng và một đôi rồng bằng gỗ mít. Chính giữa bàn thờ đặt các ông bà, thân nhân, phía trước là mục thấp hơn, thờ cụ Huỳnh.
Hiện ngôi nhà vẫn lưu giữ nhiều hiện vật cụ Huỳnh để lại. Từ những bức ảnh lúc cụ hoạt động trong phong trào Duy Tân đến lúc tham gia bộ máy Nhà nước Cách mạng Việt Nam; những trang báo Tiếng Dân thời cụ Huỳnh làm chủ bút; bộ áo dài khăn đóng; đôi guốc lúc cụ mang vào Quảng Ngãi… được sưu tầm khắp nơi. Sinh thời, cụ Huỳnh lấy tên hiệu Mính Viên (vườn chè), vì thế nhà lưu niệm ngày nay có hàng chè bao bọc xung quanh.
Năm 1990, nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Ngôi nhà được trùng tu những hạng mục như thay mái ngói, cải tạo nhà thờ, kè đá, sân gạch, vườn cây… Qua quá trình trùng tu, hiện trạng di tích đã có nhiều thay đổi, nhiều hạng mục có giá trị về kiểu thức, kiến trúc đặc trưng đã không giữ được nguyên gốc như bể cạn và sân gạch. Hiện nay, việc coi sóc, bảo vệ nhà lưu niệm được ông Huỳnh Thoàn, người trong họ cụ Huỳnh, đảm nhiệm.
Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng không chỉ là di tích đơn thuần mà còn là địa chỉ đỏ cho các thế hệ học sinh, sinh viên, du khách trong và ngoài nước tìm về để hiểu hơn về cuộc đời của một người yêu nước thế kỷ trước, cũng như hiểu hơn về cuộc chiến tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam của các bậc tiền nhân.
Hướng dẫn cách đặt tour Đà Nẵng – Hội An hấp dẫn:
– Gọi (028) 3933 8002 để được tư vấn.
– Đặt online và xem thông tin chi tiết TẠI ĐÂY.
Theo iVIVU.com
Xem thêm bài viết:
Cẩm nang du lịch Quảng Nam từ A đến Z
Ngạc nhiên với vẻ đẹp của thác nước Ví Quảng Nam giữa đại ngàn
Du lịch Quảng Nam: Top 12 địa điểm lý tưởng cho bạn tha hồ “sống ảo”
Click đặt ngay khách sạn Quảng Nam giá tốt nhất chỉ có tại iVIVU.com!
***
Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com
