Cẩm nang du lịch Hà Giang từ A đến Z

10:56 27/12/2024

Hà Giang là tỉnh nằm ở cực Bắc, có địa hình đồi núi hiểm trở, nhiều đỉnh núi cao, sông suối hùng vĩ. Cùng iVIVU khám phá cẩm nang du lịch Hà Giang với nhiều thông tin hữu ích!

Tổng quan

Hà Giang nằm ở cực Bắc Việt Nam, nổi tiếng với vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng và văn hóa đặc sắc của đồng bào thiểu số. Đây là vùng đất của đá. Trong đó Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận. Du lịch Hà Giang thu hút du khách bởi những cung đường đèo ngoạn mục như Mã Pì Lèng, cột cờ Lũng Cú. Và những mùa hoa tam giác mạch, hoa cải vàng, hoa mận trắng… Bên cạnh đó, Hà Giang còn là nơi lưu giữ văn hóa truyền thống với các phiên chợ vùng cao và bản làng mang đậm bản sắc dân tộc.

Những con đường đèo ngoằn ngoèo ở Hà Giang

Thời điểm lý tưởng để du lịch Hà Giang

Hà Giang có khí hậu lạnh rõ rệt vì địa hình núi cao. Ở đây được chia thành hai mùa: mùa mưa (tháng 5 – 10) và mùa khô (tháng 11 – 4). Nhiệt độ trung bình dao động từ 21-23°C. Nhưng vào mùa đông, đặc biệt tháng 12 – 2, có thể xuống thấp dưới 5°C, đôi khi xuất hiện băng giá hoặc tuyết ở vùng cao. Thời điểm du lịch lý tưởng nhất là từ tháng 10 đến tháng 11 để ngắm mùa hoa tam giác mạch nở rộ. Hoặc tháng 1 đến tháng 2 khi hoa mận, hoa đào khoe sắc, tạo nên khung cảnh mùa xuân thơ mộng. Ngoài ra, tháng 9 với mùa lúa chín vàng óng trên ruộng bậc thang cũng là một lựa chọn hấp dẫn.

Hoa tam giác mạch. Ảnh: @nga.ngo01

Di chuyển

Từ Hà Nội

Hầu như lúc nào cũng có xe khách xuất phát đi Hà Giang từ các bến xe Mỹ Đình, Lương Yên, Yên Nghĩa, Gia Lâm. Du khách có thể chọn xe giường nằm hoặc xe limousine. Giá vé xe từ Hà Nội đến Hà Giang dao động 200.000 – 300.000VNĐ.

Từ TPHCM

Từ các tỉnh phía Nam, du khách buộc phải đi máy bay ra Hà Nội, rồi mới tiếp tục di chuyển lên Hà Giang. Giá vé tùy thuộc thời điểm và hãng máy bay cũng như hạng ghế mà bạn lựa chọn. Bạn có thể đặt vé máy bay đi Hà Nội nhanh chóng tại đây.

Đặt vé máy bay tại iVIVU

Di chuyển ở Hà Giang

Bạn có thể thuê xe máy tự di chuyển với giá 150.000 – 300.000VNĐ/xe/ngày. Nếu không đủ sức khỏe, hoặc đoàn có người già và trẻ nhỏ thì nên thuê ô tô dịch vụ 7 – 16 chỗ.

Địa điểm khám phá ở Hà Giang

Chợ phiên Đồng Văn

Chợ phiên Đồng Văn họp vào sáng chủ nhật hàng tuần, là nét đẹp văn hóa của đồng bào miền núi. Vì thế du lịch Hà Giang du khách không nên bỏ lỡ phiên chợ độc đáo này. Đến phiên chợ, đồng bào các dân tộc mang các sản phẩm của gia đình tự nuôi trồng đến chợ để trao đổi, mua bán. Hầu hết bà con dành cả ngày ở đây để mua sắm, vui chơi, ăn uống. Ẩm thực tại chợ phiên vô cùng phong phú. Nhiều món ngon như bánh chưng đen, sôi ngũ sắc, mèn mén, phở… Bạn cũng có thể mua tương ớt, rau đương quy, đậu xị, thịt trâu sấy, mận tam hoa, mận hậu, đào, lê… về làm quà.

Chợ phiên cuối tuần

Đèo Mã Pì Lèng

Đèo Mã Pì Lèng (nghĩa là “sống mũi con ngựa”) được mệnh danh là vua của các con đèo ở Tây Bắc. Con đèo hiểm trở lởm chởm đá tai mèo sắc nhọn, thuộc xã Pả Vi và Pải Lủng, huyện Mèo Vạc và xã Tả Lủng huyện Đồng Văn. Đèo nằm trên con đường Hạnh Phúc huyền thoại nối liền thành phố Hà Giang với các huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. Từ trên đỉnh Mã Pì Lèng, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh Cao nguyên đá Đồng Văn. Khung cảnh hùng vĩ với một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu sông Nho Quế nước xanh màu ngọc bích.

Đèo Mã Pì Lèng

Cột cờ Lũng Cú

Cột cờ Lũng Cú, nằm trên đỉnh núi Rồng ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, là biểu tượng đánh dấu điểm cực Bắc. Với độ cao khoảng 1.700 m so với mực nước biển, cột cờ có kiến trúc giống chiếc trống đồng Đông Sơn. Trên đỉnh là lá cờ đỏ sao vàng tung bay kiêu hãnh. Để đến được đây, du khách phải chinh phục gần 800 bậc thang, chiêm ngưỡng toàn cảnh hùng vĩ của những bản làng, ruộng bậc thang phía dưới. Đây là điểm đến không thể bỏ qua trong mỗi chuyến du lịch Hà Giang của bất kỳ du khách nào.

Cột cờ Lũng Cú. Ảnh: Báo Lao động

Dinh thự Vua Mèo

Dinh thự Vua Mèo nằm tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, được xây dựng vào đầu thế kỷ 20. Dinh thự này là nơi ở của Vương Chính Đức, người đứng đầu dòng họ Vương và được xem như “vua” của người Mông thời bấy giờ. Dinh thự được thiết kế theo phong cách kết hợp giữa kiến trúc truyền thống Trung Hoa, H’Mông, và Pháp. Chất liệu chính là gỗ quý, đá xanh và ngói âm dương, tọa lạc trên một quả đồi hình mai rùa. Đây không chỉ là nơi ghi dấu quyền lực và sự giàu có của dòng họ Vương mà còn là chứng nhân lịch sử về những thăng trầm của vùng đất Hà Giang.

Bên trong dinh thự. Ảnh: Báo Dân trí

Dốc Thẩm Mã

Dốc Thẩm Mã nằm trên con đường từ Yên Minh đi Đồng Văn uốn lượn quanh co giữa núi non hùng vĩ. Tên gọi “Thẩm Mã” bắt nguồn từ câu chuyện xưa kia. Nơi người dân dùng dốc này để thử sức khỏe của những con ngựa thồ hàng, con nào vượt qua được mới được giữ lại. Dừng chân tại dốc Thẩm Mã, du khách sẽ được chiêm ngưỡng toàn cảnh thung lũng rộng lớn với những ngôi làng nhỏ, ruộng bậc thang trải dài. Đây là điểm check-in lý tưởng với những giỏ hoa và các em bé người Mông xinh xắn.

Dốc Thẩm Mã. Ảnh: @nqtruonq______

Làng Lô Lô Chải

Làng Lô Lô Chải yên bình nằm dưới chân cột cờ Lũng Cú. Ngôi làng nổi bật với những ngôi nhà trình tường bằng đất đơn sơ, mái ngói âm dương và hàng rào đá bao quanh. Đến đây, du khách có cơ hội tìm hiểu các phong tục tập quán độc đáo, thưởng thức ẩm thực truyền thống. Làng Lô Lô Chải còn được ví như “viên ngọc ẩn” giữa cao nguyên đá của du lịch Hà Giang.

Làng Lô Lô Chải. Ảnh: @wttrangg

Nhà của Pao

Nhà của Pao, nằm ở thung lũng Sủng Là, là một ngôi nhà cổ của người H’Mông. Ngôi nhà nổi tiếng nhờ xuất hiện trong bộ phim điện ảnh “Chuyện của Pao”. Ngôi nhà mang kiến trúc truyền thống với tường trình đất dày, mái ngói âm dương, sân lát đá và hàng rào đá bao quanh. Đến đây, du khách sẽ cảm nhận được vẻ đẹp bình dị, yên bình giữa thiên nhiên hoang sơ.

Nhà của Pao. Ảnh: VnExpress

Sông Nho Quế

Sông Nho Quế xanh biếc nằm uốn lượn dưới chân đèo Mã Pì Lèng là một trong những biểu tượng đẹp nhất của Hà Giang. Dòng sông mảnh như sợi chỉ có màu nước xanh ngọc bích nổi bật giữa những hẻm núi đá sừng sững. Một trong những trải nghiệm không thể bỏ lỡ tại đây là đi thuyền trên sông. Du khách có thể lên thuyền xuôi dòng sông để chiêm ngưỡng hẻm Tu Sản – hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á.

Đi thuyền trên sông Nho Quế. Ảnh: @nbt.zy

Cánh đồng hoa tam giác mạch

Vào khoảng tháng 10 đến tháng 11, tam giác mạch nở rộ, phủ sắc hồng tím lên khắp các triền núi và thung lũng. Hoa tam giác mạch không chỉ mang vẻ đẹp mộc mạc, lãng mạn mà còn là biểu tượng đặc trưng của vùng cao nguyên đá. Hoa tam giác mạch thực chất có nhiều màu như trắng, hồng, tím,… Có loại trồng để lấy hoa, có loại chỉ để lấy hạt. Các cánh đồng hoa tập trung chủ yếu ở các xã dọc quốc lộ 4C và trên trục đường chính thuộc các xã Vần Chải, Phố Cáo, Sủng Là, Lũng Táo, Sà Phìn, Thài Phìn Tủng, Ma Lé, Lũng Cú, Sủng Trái và thị trấn Đồng Văn.

Những đồng hoa tam giác mạch

Cổng trời Quản Bạ

Cổng Trời Quản Bạ là cửa ngõ dẫn vào cao nguyên đá Đồng Văn. Với độ cao khoảng 1.500 m so với mực nước biển, từ đây du khách có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh thung lũng với những cánh đồng lúa, ruộng bậc thang và núi đôi Cô Tiên huyền thoại. Cổng trời Quản Bạ mang đến cảm giác gần gũi với thiên nhiên, như chạm tới mây trời.

Thung lũng nhìn từ cổng trời Quản Bạ

Núi đôi Cô Tiên

Núi Đôi Cô Tiên nằm giữa thung lũng xanh mướt với hình dáng tròn trịa, cân đối như hai bầu ngực căng tràn sức sống. Gắn liền với truyền thuyết về tình yêu và sự hy sinh của nàng tiên, núi đôi Cô Tiên thu hút bởi vẻ đẹp kỳ thú. Đứng từ cổng trời Quản Bạ, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn bộ cảnh quan, mây trời và ruộng đồng.

Núi đôi Cô Tiên

Làng văn hóa Pả Vi

Làng văn hóa Pả Vi nổi bật với những ngôi nhà trình tường truyền thống, mái ngói âm dương và hàng rào đá. Đến đây, du khách có cơ hội tìm hiểu các phong tục tập quán độc đáo. Tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật dân gian như múa khèn, thổi sáo. Hay trải nghiệm các nghề thủ công truyền thống như dệt vải, đan lát. Không chỉ vậy, Pả Vi còn là nơi lý tưởng để thưởng thức ẩm thực địa phương với những món ăn đậm đà hương vị vùng cao.

Làng văn hóa Pả Vi. Ảnh: Báo Văn hóa

Làng dệt lanh Lùng Tám

Làng dệt lanh Lùng Tám lưu giữ nghề dệt lanh truyền thống của dân tộc Mông. Đây là nơi mà các nghệ nhân tài hoa biến cây lanh, một loại cây mọc trên núi đá, thành những tấm vải mềm mại, bền đẹp. Quy trình dệt lanh tại Lùng Tám hoàn toàn thủ công. Từ trồng lanh, kéo sợi, nhuộm màu tự nhiên đến thêu thùa, tạo nên các sản phẩm như áo, váy, khăn và túi.

Ảnh: VnExpress

Đặc sản Hà Giang

Du lịch Hà Giang không thể bỏ qua những món ăn làm nên tên tuổi của vùng cao nguyên đá.

Bánh cuốn

Bánh cuốn thường dùng để ăn sáng và ăn trưa. Bánh cuốn phố cổ Đồng Văn cũng được du khách ưa thích bởi vỏ bánh được làm từ bột gạo hấp trắng mỏng, mềm mịn và rất thơm. Bên trong bánh cuốn là nhân thịt và mộc nhĩ. Món bánh cuốn này được ăn cùng với nước chấm hầm từ xương, kèm hành khô và rau thơm.

Bánh cuốn ở Hà Giang

Cháo ấu tẩu

Cháo ấu tẩu được làm từ củ ấu tẩu ngâm trong nước vo gạo và đun nhão. Khi nấu, phần gạo, thịt lợn băm nhuyễn và ấu tẩu sẽ cho ra món cháo màu nâu nhạt và có mùi thơm đậm đà. Vốn dĩ ấu tẩu là một loại củ có độc tố cao. Nhưng với kinh nghiệm chế biến lâu đời, ấu tẩu trở thành một nguyên liệu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe. Cháo có hương vị béo ngậy, hơi đăng đắng. Nhưng càng ăn bạn sẽ càng cảm nhận được vị ngọt thanh và thơm ngon.

Bát cháo ấu tẩu

Bánh chưng gù

Bánh chưng gù là một đặc sản của đồng bào Tày ở Hà Giang, mang hình dáng độc đáo. Thay vì vuông vắn, bánh chưng gù có hình dáng hơi cong, giống như dáng người đeo gùi trên lưng. Bánh được làm từ gạo nếp thơm, nhân đậu xanh, thịt lợn ba chỉ, gói trong lá dong và luộc chín trong nhiều giờ. Đây là món ăn phổ biến trong ngày Tết, lễ hội.

Bánh chưng gù

Thắng dền

Nhắc đến những món ăn chơi thú vị ở vùng cao Hà Giang, không thể bỏ qua đặc sản thắng dền. Nguyên liệu chính của món ăn này là gạo nếp hương huyện Yên Minh. Đây là loại gạo to, trắng tròn và chắc hạt, khi nấu sẽ dẻo thơm và có vị ngon ngọt. Bên trong những viên nếp dẻo, đặc là những loại nhân khác nhau như đậu xanh, đậu đỏ… Khi ăn thực khách sẽ cảm nhận được sự dẻo dẻo và vị ngọt dịu. Món này được ăn cùng nước đường nấu với gừng hoặc nước cốt và lạc rang.

Bánh chưng gù

Thắng cố

Thắng cố là một món ăn được chế biến từ lòng ngựa, luôn để lại ấn tượng khó quên khi du lịch Hà Giang. Nước dùng được ninh từ xương và nội tạng. Để tạo nên món thắng cố thơm ngon, bổ dưỡng, người ta thường dùng kết hợp 12 loại gia vị đặc trưng miền núi. Đó là lá chanh, hoa hồi, thảo quả, quế, gừng… Thắng cố thường được nấu trong một nồi lớn, hầm kỹ trong nhiều giờ. Thưởng thức thắng cố thường kết hợp cùng chén rượu ngô thơm nồng.

Chảo thắng cố đặc sản

Bánh tam giác mạch

Bánh tam giác mạch được làm từ hạt của hoa tam giác mạch. Sau khi thu hoạch, hạt tam giác mạch được xay mịn, nhào với nước và nặn thành những chiếc bánh nhỏ. Bánh sau đó được nướng trên bếp than. Bánh thành phẩm có màu nâu sậm, hương thơm nhẹ và vị ngọt bùi.

Người Mông làm bánh tam giác mạch

Phở Tráng Kìm

Phở Tráng Kìm được làm hoàn toàn thủ công từ bột gạo, tạo nên những sợi phở dai, mềm, và thơm. Nước dùng được nấu từ xương ống hầm kỹ, với các loại gia vị đặc trưng. Phở Tráng Kìm được ăn kèm với thịt bò, thịt gà hoặc thịt lợn bản. Du khách đến Hà Giang không nên bỏ lỡ cơ hội thưởng thức tô phở Tráng Kìm nóng hổi giữa tiết trời se lạnh vùng cao.

Phở Tráng Kìm được làm thủ công. Ảnh: Vietnamnet

Xôi ngũ sắc

Xôi ngũ sắc là món ăn truyền thống và đặc trưng ở Hà Giang. Món xôi được làm từ gạo nếp thơm dẻo, nhuộm màu tự nhiên từ các loại lá cây. Như lá cẩm (màu tím), lá nghệ (màu vàng), lá gừng (màu xanh), lá nếp cẩm đỏ (màu đỏ) và gạo nguyên màu trắng. 5 màu sắc tượng trưng cho ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

Xôi ngũ sắc thơm dẻo

Đến Hà Giang mua gì làm quà?

Cam

Cam Hà Giang mọng nước, ngọt ngon hảo hạng, đặc trưng cho vùng cao nguyên đá. Cam có vỏ và ruột đỏ vàng. Nếu muốn vị chua nhẹ, nên chọn cam xanh. Nhưng nếu muốn cam ngọt thì nên chọn trái rám với vỏ đã ngả vàng. Đây là đặc sản Hà Giang làm quà hấp dẫn.

Cam sành Hà Giang

Bánh đá

Trong thời gian gần đây, bánh đá trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội. Bánh đá (hay bánh lơ khoải) là món bánh truyền thống của người Dao áo dài và người Nùng. Bánh được làm to như viên gạch, hình tròn, thuôn dài. Sở dĩ bánh có tên gọi như vậy là do kết cấu cứng như đá. Trước đây, bà con thường thả bánh xuống các suối mát quanh nhà để bảo quản. Để làm ra chiếc bánh đá ngon, dẻo thơm, người dân phải lựa gạo ngon. Sau khi làm chín bột, người ta sẽ đem đi nhào đều tay để bột quyện lại với nhau. Sau đó mới tạo hình thành chiếc bánh đá.

Bánh đá độc đáo

Mật ong bạc hà

Mật ong bạc hà được ong lấy từ hoa bạc hà mọc tự nhiên trên các triền núi đá. Nơi đó có những bông hoa bạc hà giàu tinh dầu. Mật ong bạc hà có màu vàng chanh hoặc xanh nhạt, hương thơm thanh mát, vị ngọt dịu, kèm theo chút cay nhẹ. Mật ong bạc hà có tác dụng bồi bổ sức khỏe, chữa các bệnh về hô hấp, đường tiêu hóa…

Mật ong bạc hà

Chè shan tuyết

Chè Shan Tuyết cổ thụ ở Hà Giang là một trong những đặc sản nổi tiếng. Những cây chè cổ thụ này mọc tự nhiên trên các dãy núi cao với tuổi đời hàng trăm năm. Được bao phủ bởi lớp lông tuyết trắng mịn trên búp chè, Shan Tuyết mang hương vị thơm dịu, vị ngọt hậu. Quá trình thu hoạch và chế biến chè hoàn toàn thủ công, giữ nguyên được hương vị tinh khiết của lá chè. Chè Shan Tuyết là thức uống thanh tao, giúp giải nhiệt, thanh lọc cơ thể.

Thu hái chè shan tuyết

Thịt trâu gác bếp

Trâu gác bếp là một đặc sản độc đáo ở vùng núi phía Bắc. Thịt trâu được chọn từ phần thịt bắp tươi ngon, tẩm ướp với ớt, tỏi, gừng, mắc khén. Sau đó, thịt được treo trên gác bếp và hun khói từ củi của các loại cây rừng trong nhiều ngày. Thịt trâu gác bếp có vị đậm đà, hơi dai. Ngọt tự nhiên của thịt và hương thơm nồng nàn của gia vị. Đây là món đặc sản làm quà không thể bỏ qua khi du lịch Hà Giang.

Thịt trâu gác bếp

Rượu ngô

Rượu ngô truyền thống được nấu từ hạt ngô nếp vàng óng, trồng trên những nương rẫy. Ngô được ủ với men lá đặc biệt được làm từ các loại thảo mộc rừng, tạo nên hương vị thơm nồng. Quá trình ủ men, chưng cất đều được thực hiện thủ công. Người ta thường thưởng thức rượu ngô khi ăn thắng cố hay xôi ngũ sắc.

Lưu trú ở Hà Giang

Du khách có nhiều lựa chọn lưu trú khi du lịch Hà Giang. Từ những resort cao cấp mang đậm bản sắc dân tộc đến các homestay ở nhà người đồng bào. Ở Hoàng Su Phì có Hoang Su Phi Lodge, Kinh Homestay, Hồ Thầu Eco Village… Ngoài ra, bạn có thể ở Chúng Pủa – Auberge de MeoVac (Mèo Vạc) với ngôi nhà đất đậm chất địa phương hay Bụi homestay là nhà sàn ở Đồng Văn. Ở Đồng Văn còn có nhà cổ Hoàng Thân, Ong Vàng Mèo Vạc, homestay Lo Lo Ancient House…

Khu nghỉ dưỡng P’apiu Hà Giang

Khu nghỉ dưỡng P’apiu Hà Giang không chỉ là chốn dừng chân tuyệt đẹp giữa núi rừng hùng vĩ. Mà còn mời bạn đến với hành trình cảm nhận những câu chuyện mang đậm bản sắc văn hoá địa phương. Mỗi hạng phòng tại khu nghỉ mang kiến trúc khác biệt, mở ra khung cảnh đẹp nên thơ và nhiều trải nhiệm thú vị.

P’apiu Hà Giang

Hướng dẫn đặt khu nghỉ dưỡng P’apiu Hà Giang:

– Gọi ngay 1900 1870 (Hồ Chí Minh), 1900 2045 (Hà Nội), 1900 2087 (Cần Thơ) để được tư vấn

– Đặt online và xem chi tiết TẠI ĐÂY.

Khu nghỉ dưỡng H’mong Village Hà Giang

Khu nghỉ dưỡng H’Mong Village có diện tích 20ha chia làm ba khu riêng biệt với thiết kế khác nhau. Đặc biệt nhất là 15 ngôi nhà có hình dáng mô phỏng chiếc quẩy tấu đặc trưng của dân tộc Mông. Với địa thế nằm trên sườn núi cao, H’mong Village kết hợp hoàn hảo các vật liệu tự nhiên mang đến một không gian mang đậm bản sắc vùng cao.

Những chiếc “quẩy tấu” độc đáo

Hướng dẫn đặt khu nghỉ dưỡng H’Mong Village:

– Gọi ngay 1900 1870 (Hồ Chí Minh), 1900 2045 (Hà Nội), 1900 2087 (Cần Thơ) để được tư vấn

– Đặt online và xem chi tiết TẠI ĐÂY.

Khách sạn Four Points by Sheraton Hà Giang

Đây là khách sạn 5 sao mang thương hiệu quốc tế đầu tiên tại Hà Giang, do tập đoàn Marriott International quản lý. Khách sạn được thiết kế theo phong cách nghỉ dưỡng hiện đại với quy mô 20 tầng. Có tổng cộng 151 phòng nghỉ, kèm theo các dịch vụ ẩm thực, phòng tập gym, spa, và bể bơi 4 mùa.

Nghỉ dưỡng 5 sao ở vùng cao

Hướng dẫn đặt khách sạn Four Point by Sheraton Hà Giang:

– Gọi ngay 1900 1870 (Hồ Chí Minh), 1900 2045 (Hà Nội), 1900 2087 (Cần Thơ) để được tư vấn

– Đặt online và xem chi tiết TẠI ĐÂY.

Khu nghỉ dưỡng Panhou Retreat Hà Giang

Khu nghỉ dưỡng Panhou Retreat tọa lạc tại huyện biên giới miền núi Hoàng Su Phì, một “ốc đảo” giữa thiên nhiên hoang sơ. 22 phòng nghỉ gần gũi với thiên nhiên mang dấu ấn văn hóa của người Dao. Cách bài trí đơn giản, tinh tế mang đến cho du khách trải nghiệm thoải mái nhất.

Nghỉ dưỡng giữa cánh đồng lúa

Hướng dẫn đặt khu nghỉ dưỡng Panhou Retreat:

– Gọi ngay 1900 1870 (Hồ Chí Minh), 1900 2045 (Hà Nội), 1900 2087 (Cần Thơ) để được tư vấn

– Đặt online và xem chi tiết TẠI ĐÂY.

Hướng dẫn đặt vé máy bay:

– Quan tâm và trao đổi với iVIVU qua Zalo OA iVIVU Tickets. Hoặc gọi ngay hotline (028) 3933 8008 để được hỗ trọ tư vấn vé máy bay nội địa và quốc tế giá tốt

– Đặt online TẠI ĐÂY hoặc tải app đặt vé máy bay TẠI ĐÂY.

Theo iVIVU.com

Click đặt ngay khách sạn Việt Nam và trên toàn thế giới giá tốt nhất chỉ có tại iVIVU.com!

***

Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com

Đánh giá bài viết này

1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao (1 lượt, 5,00 điểm trên 5)
Loading...