Thông thường, du khách chỉ dừng lại ở đoạn đầu của động Thiên Đường. Những ai đi sâu vào trong sẽ được chiêm ngưỡng cảnh đẹp như chốn thần tiên nơi hạ giới.
Du lịch Quảng Bình khám phá ‘hoàng cung trong lòng đất’ (P.2)
Kỳ 2 : Lạc vào thế giới khác
Bỏ lại chiếc cầu gỗ và ánh sáng đèn soi rọi phía sau lưng, đoàn chúng tôi tiến dần vào bóng tối chỉ với chiếc đèn pin gắn trên đầu. 500 m đầu tiên khá dễ đi, với hang động hình ống, cao, rộng và thoáng, bằng phẳng như có tác động của bàn tay con người. Vừa đi chúng tôi vừa nghe anh Đông – hướng dẫn viên – giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của hang động, vừa được ngắm nhìn một thế giới hoàn toàn khác với vô vàn các loại thạch nhũ muôn hình vạn trạng.
Càng đi sâu vào trong, thạch nhũ càng đa dạng về cả kích thước, hình thù, lẫn màu sắc. Hàng nghìn nhũ đá từ trần động buông xuống nhọn hoắt, đen xì và gai góc. Khi ngước nhìn lên trần hang, bạn sẽ thấy như cả nghìn mũi dao đang chực rơi xuống. Chúng tôi phải luồn qua những khe hẹp thật cẩn thận để không phải va vào và làm gãy thạch nhũ, cảm giác như đang lạc vào một khu rừng phù thủy đầy ma quái.
Có nơi một dải nhũ trắng tinh khiết buông dài cả chục mét từ trần động như một lọn tóc khổng lồ, có nơi chúng kết lại, xoay tròn như một con ốc giữa biển khơi. Có nơi, bốn khối thạch nhũ khổng lồ mang bốn màu sắc khác nhau: trắng, vàng, đen, xám, nằm kề nhau như sắp đặt. Các cột nhũ sáng lấp lánh ánh lân tinh, mịn màng như dòng thác đổ, mang lại một cảnh tượng ngoạn mục chưa từng có.
Đang mê mẩn ngắm nhìn tuyệt tác của tạo hóa, chúng tôi giật bắn mình khi nghe một âm thanh trong trẻo như tiếng đàn, hóa ra anh hướng dẫn đang vuốt tay vào một cột nhũ có hình thù kì lạ. Vô vàn những măng nhũ con nhỏ bé vây quanh một cột nhũ lớn, mỗi một măng nhũ như một nốt nhạc. Anh hướng dẫn lại đưa tay vuốt nhẹ để không khí luồn qua các khe, tạo ra một điệu nhạc thần tiên làm say đắm bất cứ ai có may mắn được nghe.
Lên kế hoạch du lịch thật “chuẩn” với khách sạn giá tốt từ iVIVU.com
Chúng tôi quây lại thành một vòng tròn, tắt hết đèn, im lặng trong 2 phút, để thực sự chìm vào bóng tối, không thể nhìn thấy bất cứ thứ gì trước mắt mình. Mọi thứ xung quanh trở nên tĩnh lặng đến mức chúng tôi có thể nghe được tiếng không khí chuyển động. Những giọt nước từ trần động rơi xuống, rồi bắn lên không trung, trải qua hàng nghìn, hàng triệu năm để tạo thành các khối thạch nhũ. Đó là âm thanh thần tiên nhất trong cuộc đời mà tôi từng được nghe.
Đi được thêm một đoạn, du khách sẽ đến “sân vận động”, nơi rộng nhất động, với chiều cao 80 m và chiều rộng 120 m. Tại nơi không gian thoáng đãng, mặt đất bằng phẳng, chúng tôi tổ chức chạy đua trong bóng tối, ai đến đích sau cùng sẽ phải khao bia cả nhóm. Ai cũng mặc sức chạy, hua tay múa chân theo quán tính vì sợ va phải vật gì đó. Trò chơi nhỏ mang lại tiếng cười giòn tan cho cả nhóm, cho đến khi chúng tôi bước vào một khu vực đầy đất sét, chuẩn bị vượt dòng suối ngầm bằng chiếc thuyền kayak đã đợi sẵn. Khi lật thuyền lên, chúng tôi phát hiện thuyền đã bị thủng hai lỗ rất to.
Dòng suối ngầm mùa khô nước không quá cao, chỉ ngang thắt lưng. Nếu vào mùa mưa lũ, nước sẽ dâng đến ngực, thậm chí tới tận nóc động, không thể qua được. Do đó, những chuyến thám hiểm các hang động ở Quảng Bình đều dừng lại vào tháng 8 đến tháng 12 hàng năm.
Việc đưa được kayak vào đây là cả một vấn đề. Phát hiện chiếc kayak đã thủng 2 lỗ khá lớn, anh hướng dẫn viên và người khuân vác lật thuyền lại, lấy đất sét xung quanh đắp vào chỗ thủng – một màn “vá” thuyền khá ấn tượng. Chúng tôi mau chóng chia ra làm hai tốp chèo kayak vượt qua 100 m tới bờ bên kia.
Qua được dòng suối, chúng tôi bắt đầu đoạn đường khó đi, len lỏi qua từng khoảng nhỏ giữa các khối thạch nhũ, phải bò, trườn, tay cố bấu víu vào các hốc ẩm ướt trơn trượt. Có lúc chúng tôi phải nhoài người cúi sát xuống đất rồi nhích từng chút một để vượt qua. Khi nghe một tiếng boong trong trẻo vang lên có nghĩa là ai đó bị đập đầu vào thạch nhũ, làm cả đoàn phá lên cười.
Qua được 2 km đoạn này, người ai cũng bê bết bùn đất, có người còn thụt chân rơi xuống vũng nước đọng, ướt hết giày. Nhưng đó vẫn chưa phải là nơi khó khăn nhất. 1 km còn lại thử thách sự khéo léo khi du khách phải luồn qua những khe hẹp, nhảy qua những tảng đá to nhỏ đã sụt xuống tạo ra giếng trời.
Trải qua đoạn đường này, tôi bắt gặp một dạng địa hình quen thuộc từng đi: nhảy ghềnh ở Mũi Đôi (Phú Yên). Điều khác là trong này tối đen như mực, chỉ dựa vào ánh sáng le lói của đèn pin gắn trên mũ. Đá ẩm ướt, trơn trượt. Các bạn người nước ngoài có vẻ gặp khó khăn hơn.
Khi nhìn thấy một thứ ánh sáng ma mị hắt ra từ phía trước, ai nấy đều cảm thấy phấn chấn, bắt đầu “nhảy ghềnh” không mệt mỏi, vượt qua 500 m còn lại để đến được giếng trời, để được vỡ òa khi thấy mình may mắn được đứng ở đây. Cảm xúc đó như thể lần đầu tiên nhìn thấy ánh mặt trời, là tia nắng kỳ diệu ở một thế giới thần tiên.
Tranh thủ chụp hình được tầm 15 phút thì nắng tắt dần, chúng tôi ngồi ăn trưa với những hộp cơm được người khuân vác mang theo, rồi quay trở lại hành trình cũ để trở về trong luyến tiếc.
Theo Zing News
Click đặt ngay Khách sạn khắp Việt Nam và toàn thế giới giá tốt nhất chỉ có tại iVIVU.com
***
Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com