So với các bảo tàng và nhà lưu niệm Bác Hồ ở nơi khác, bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế có vị trí rất quan trọng vì nơi đây là nơi Bác sinh sống, học tập và hun đúc tình yêu quê hương đất nước, yêu đồng bào, bước đệm đến một nhân cách vĩ đại!
Theo dấu chân Bác ở bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế
Thừa Thiên Huế, mảnh đất đã nuôi dưỡng tuổi thơ Bác Hồ cùng gia đình sinh sống, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước giai đoạn 1895 -1901 và 1906 – 1909. Chính nơi đây đã góp phần gầy dựng tình yêu nước và tư tưởng giải phóng đất nước để từ đó thôi thúc Người quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước.
Di sản của những năm tháng Bác Hồ ở Huế là hệ thống di tích Người để lại. Theo thống kê có khoảng 20 di tích và địa điểm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có 4 di tích được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia bao gồm: nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại 112 Mai Thúc Loan (số mới 158), trường Quốc Học Huế, nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ, đình làng Dương Nỗ và 05 di tích cấp tỉnh.
Về di sản phi vật thể có hàng ngàn tư liệu thành văn và dân gian viết, nói về Người, hồi ức của chính Người về thời kỳ ở Huế và tấm lòng của Bác với Huế, Huế với Bác Hồ.
Những di sản mà Bác Hồ và gia đình để lại trên mảnh đất Thừa Thiên Huế là tài sản vô giá mà bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị, nhằm góp phần đưa tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào cuộc sống, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh. Và xây dựng Thừa Thiên Huế giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, đậm về lịch sử.
Năm 1979, UBND tỉnh Bình Trị Thiên chủ trương thành lập phân viện bảo tàng Hồ Chí Minh tại thành phố Huế và chọn vị trí ngôi nhà số 07 Lê Lợi làm trụ sở. Ngày 16/9/1980, bảo tàng Hồ Chí Minh tại Huế chính thức thành lập.
Ngày 30/6/1982, bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Bình Trị Thiên trở thành thành viên của hệ thống các bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh do bảo tàng Hồ Chí Minh trung ương chỉ đạo và hướng dẫn.
Năm 1989, sau khi tỉnh Bình Trị Thiên tách ra thành 3 tỉnh, bảo tàng Hồ Chí Minh Bình Trị Thiên trở thành bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nhân kỷ niệm 108 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo tàng chính thức được khởi công xây dựng lại và khánh thành vào ngày 19/05/2000. Ngày 27/9/2007, bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế được xếp hạng là bảo tàng hạng II.
Qua 42 năm hoạt động, bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã vượt qua những khó khăn, thử thách, hòa nhập cùng hệ thống các bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên toàn quốc.
Bảo tàng hiện quản lý gần 4000 tài liệu và hiện vật, 14 di tích và địa điểm di tích. Hàng năm, bằng các loại hình trưng bày tại chỗ và triển lãm lưu động, bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã phục vụ và đón rất nhiều lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, học tập, tìm hiểu và nghiên cứu.
Bảo tàng giờ đây là một tòa nhà 3 tầng, với tổng diện tích là 2500 mét vuông, có 4 mặt, nhìn từ xa như một bông sen trắng. Ý tưởng về kiến trúc thật mới lạ, vừa thể hiện yếu tố kiến trúc truyền thống Huế, vừa mang dáng dấp hiện đại, vừa toát lên tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa hài hòa với cảnh quan môi trường.
Bảo tàng không chỉ là nơi trưng bày hiện vật, tài liệu, giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp, mà còn là một trong những trung tâm sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân toàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là nét mới đáng chú ý, thể hiện sự kết hợp sáng tạo trong việc khai tác công năng và phát huy hoạt động xã hội của bảo tàng. Tránh được sự sai lầm như một số công trình văn hóa xây dựng đồ sộ, tốn kém nhưng thỉnh thoảng mới có khách đến thăm.
Bảo tàng thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm chuyên đề về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác Hồ, đặc biệt giới thiệu đến công chúng những sưu tập hiện vật gốc của Bác Hồ tặng cho nhân dân Thừa Thiên Huế và tình yêu thương vô bờ bến của nhân dân Thừa Thiên Huế đối với Bác qua những sáng tác nghệ thuật.
Bên cạnh đó, bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế còn phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị khác và các nghệ nhân, họa sĩ thực hiện các triển lãm chuyên đề góp phần làm phong phú thêm hoạt động văn hóa của đơn vị.
Hoặc tổ chức cuộc thi sáng tác mỹ thuật “Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sáng tác của các nghệ sĩ tạo hình Huế” nhằm tôn vinh sự tự do sáng tạo văn hóa, nghệ thuật về cuộc đời Bác Hồ kính yêu.
Cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam, mở rộng thành di sản văn hóa thế giới. Hình ảnh Người mãi mãi là tấm gương tỏa sáng, là điểm tựa vững chắc trong hành trình xây dựng Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
iVIVU gợi ý một số tour Huế hấp dẫn:
Tour Huế 1N: Hành Trình Cố Đô Huế
Tour Huế 1N: Sáng Thủy Biều chiều Tam Giang
Tour Huế 1/2N: Xe Máy Khám Phá Hồ Thủy Tiên – Cung An Định – Đầm Chuồn
Theo iVIVU.com
Xem thêm bài viết
Đến Huế thăm làng bún Vân Cù có tuổi đời hơn 400 năm
Làng nghề nón lá Mỹ Lam – biểu tượng nón lá bài thơ của Huế
Văn miếu Quốc Tử Giám Huế – Trường đại học quốc gia đầu tiên dưới thời nhà Nguyễn
Click đặt ngay khách sạn Huế giá tốt nhất chỉ có tại iVIVU.com!
***
Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com