Kiến An Cung (hay chùa Ông Quách) là một ngôi đền người Hoa nằm ở trung tâm Sa Đéc, đối diện với rạch Cái Sơn. Đền được xây từ năm 1924 đến năm 1927 bởi những người Hoa từ Phúc Kiến.
Lịch sử Kiến An Cung
Kiến An Cung được xây dựng từ năm 1924 đến năm 1927 thì hoàn thành. Thương gia Huỳnh Thuận đã vận động người Hoa ở Sa Đéc góp tiền để xây chùa. Mục đích đầu tiên là để duy trì tín ngưỡng truyền thống của dân tộc. Thứ hai là có nơi để liên kết cộng đồng, hội họp, bàn bạc công việc buôn bán, trao đổi thông tin… Nơi đây được người dân gọi là chùa ông Quách vì thờ Quách Vương Thần Công, một công thần thời nhà Tấn.
Chùa có kiến trúc độc đáo, mang dấu ấn văn hoá Trung Quốc. Những người thợ từ Phúc Kiến đã cùng thợ xây ở Sa Đéc tỉ mỉ tạo dựng từng đường nét, hoa văn, tiểu tượng… Do đó, công trình này đã trở thành một đền chùa uy nghiêm. Chùa có hướng nhìn thẳng rạch Cái Sơn, được xây theo kiểu chữ “Công”. Mặt tiền của chùa được thiết kế hài hòa với ba gian chính. Mái ngói âm dương được lợp theo kiểu dợn sóng rồng trải nền cho sáu ngọn sóng cong vút lên cao.
Trên nóc mái có đặt bốn tháp nhỏ nằm ngang, trong tháp đó có tượng các vị tiên, phật, thánh thần. Giữa nóc mái có hình lưỡng long chầu nguyệt. Hai bên lối vô cửa chính có hai con kỳ lân bằng đá xanh to lớn. Hai bên tả hữu có hình vẽ hai ông thần đứng giữ cửa. Kế đến là một sân thiên tỉnh dùng để đón lấy ánh sáng mặt trời. Hai bên là 12 hàng cột to tròn chống đỡ mái của Kiến An Cung. Xung quanh cột được chạm trổ tinh vi, được ốp gỗ với những liễn đối được viết bằng chữ Hán.
Vẻ lộng lẫy của Kiến An Cung
Xung quanh là những hoành phi, võng lọng được chạm khắc rất tinh xảo. Trước gian chính điện có hai hàng binh khí cổ hai bên. Gian chính điện được chia làm ba gian. Gian giữa thờ vị thần chính. Hai bên có hai vị cầm ấn kiếm. Bên trái là bàn thờ của Thanh Thủy đại sư, bên phải thờ Bảo Sanh đại đế. Mé ngoài thờ bàn Hội đồng, huyền thiên thượng đế và Quan thánh đế quân. Cạnh bên có đông lang và tây lang để làm chỗ tiếp tân khi cúng kiến.
Xung quanh đền, ở hai bên vách tường có rất nhiều bức họa theo lối thủy mạc. Các bức vẽ sắc sảo, nét vẽ uyển chuyển, sắc bén với các nội dung khuyến thiện trừ tà, Tam quốc diễn nghĩa, Tây du ký… Hầu hết những vật liệu trong đền này đều được chuyên chở từ Trung Quốc sang. Thời gian đã gần cả trăm năm mà Kiến An Cung trông vẫn bề thế với các nét vẽ không phai mờ.
Hằng năm, đền có hai kỳ cúng lớn. Ngày 22 tháng 8 âm lịch là ngày vía thành đạo. Ngày 22 tháng 2 âm lịch là vía ngày sinh. Trong các ngày vía có chính quyền địa phương và khách thập phương từ mọi nơi kéo về tham dự. Kiến An Cung đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia vào ngày 27-4-1990.
iVIVU.com gợi ý một số tour miền Tây – Đồng Tháp hấp dẫn:
Tour Miền Tây 2N1Đ: Làng Hoa Sa Đéc – Cần Thơ – Mỹ Tho – Bến Tre
Tour Miền Tây Trong Ngày: Cần Thơ – Xẻo Quít – Sa Đéc – Cao Lãnh
Tour Đồng Tháp 1N: KDL Xẻo Quít – Chùa Lá Sen Khổng Lồ – Tham Quan Vườn Cacao
Theo iVIVU.com
Xem thêm bài viết:
Cẩm nang du lịch Đồng Tháp từ A đến Z
Du lịch Đồng Tháp khám phá những làng nghề hàng trăm tuổi
Làng hoa Sa Đéc – Sắc màu rực rỡ quanh năm trên đất Đồng Tháp
Click đặt ngay khách sạn Đồng Tháp giá tốt nhất chỉ có tại iVIVU.com!
***
Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com