Không chỉ nổi tiếng với văn hóa đặc trưng của người Khmer, Trà Vinh còn nhiều điều đặc biệt chờ du khách khám phá. Cùng iVIVU điểm qua cẩm nang du lịch Trà Vinh hữu ích!
Tổng quan du lịch Trà Vinh
Trà Vinh là một tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu. Đây là xứ sở của những ngôi chùa Khmer cổ kính. Những cung đường rợp bóng cây cùng danh lam thắng cảnh làm nao lòng du khách. Sự hiếu khách, chân thành của người dân và ẩm thực đa dạng chính là món quà dành tặng cho du khách. Khi du lịch Trà Vinh, du khách có thể kết hợp tham quan các vùng lân cận.
Thời điểm du lịch lý tưởng
Khí hậu ở Trà Vinh là khí hậu cận xích đạo với hai mùa mưa và khô rõ rệt. Nền nhiệt độ trung bình cao, khoảng 28 độ C và nóng quanh năm. Mùa mưa ở đây thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11 và mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nhìn chung, du khách có thể đến Trà Vinh quanh năm. Bạn có thể đi vào tháng 4 để tham gia lễ hội Chol Chnam Thmay, lễ hội mừng năm mới của người Khmer. Hoặc vào mùa hè, mùa thu hoạch các loại trái cây.
Di chuyển
Máy bay
Du khách có thể đáp ở sân bay Tân Sơn Nhất hoặc sân bay Cần Thơ. Sau đó tiếp tục đi xe khách đến thành phố Trà Vinh.
Xe khách
Để đi từ TPHCM, du khách thường đến bến xe miền Tây để bắt xe. Giá vé xe khách dao động từ 150.000 đến 200.000 VNĐ. Một số nhà xe đi Trà Vinh: Kim Hoàng, Thanh Thủy, Tân Phước Tài, Phương Trang, Phương Hồng Linh…
Với vị trí cách TP HCM gần 130 km, du khách cũng có thể chọn đi bằng xe máy hoặc xe ôtô cá nhân. Để tham quan quanh Trà Vinh, bạn có thể chọn xe máy, ôtô cá nhân và taxi. Giá thuê xe máy khoảng 100.000 – 150.000 VNĐ một ngày.
Các điểm tham quan
Chùa Âng
Du lịch Trà Vinh không thể bỏ qua những ngôi chùa. Chùa Âng, hay Wat Angkor Raig Borei, rộng hơn 3,5 ha. Hàng trăm gốc sao, dầu cổ thụ khiến ngôi chùa xanh mát. Chùa Âng là một quần thể các công trình kiến trúc bao gồm tăng xá, giảng đường dạy chữ Paly và chữ Khmer… bao quanh ngôi chánh điện. Ngôi chùa quay mặt về hướng đông, thể hiện tư tưởng Phật giáo là Phật Thích ca ở tây phương nhìn về hướng đông để độ trì chúng sinh. Từ cổng chính vào là một lối đi rộng giữa hai hàng sao cổ thụ thân to. Lối đi ngang qua hào nước rộng chừng 4 m, dài hơn 400 m, bao quanh ngôi chánh điện. Chùa Âng là sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật trang trí Khmer và thiết kế đầy màu sắc của văn hóa Angkor.
Địa chỉ: quốc lộ 53, khóm 4, phường 8, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.
Ao Bà Om
Ao Bà Om còn được gọi là Ao Vuông vì ao có hình gần như vuông. Tên gọi Ao Bà Om có nhiều dị bản giải thích khác nhau. Có bản cho rằng trước đây quanh bờ ao có nhiều rau ngò om, là loại rau thơm dùng để nêm canh chua. Dị bản khác cho là chữ Bà Om do danh từ Pờ-ra-Ang (Prah Ang) tức chùa Âng biến âm mà thành. Lại có di bản cho rằng Bà Om là tên gọi của cặp vợ chồng Ông Lũy và Bà Om.
Ao Bà Om không chỉ do thiên nhiên tạo nên mà có sự kết hợp với bàn tay lao động của con người. Toàn bộ khuôn viên có diện tích hơn 18 héc ta trong đó diện tích mặt ao là 42.040 m2. Bao quanh ao là bờ cát khi cao khi thấp, lúc rộng lúc hẹp. Trên bờ ao có hơn 500 cây dầu, cây sao, trong đó có những cây cổ thụ tạo bóng mát. Đặc biệt, qua thời gian, nhiều cây cổ thụ trơ lên những bộ rễ kỳ thú.
Hàng năm, vào ngày 14, 15 tháng Ka-đâk (tháng 12) của người Khmer tức khoảng ngày 14 – 15 tháng 10 âm lịch, tại Ao Bà Om diễn ra lễ hội Ok-Om-Bok. Lễ hội Ok-Om-Bok thu hút hàng chục ngàn người khắp nơi về Ao Bà Om tham quan ngắm cảnh, tham gia các trò chơi dân gian, thưởng thức biểu diễn nghệ thuật.
Địa chỉ: phường 8, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.
Chùa Vàm Ray
Chùa Vàm Ray có bề dày lịch sử hơn 600 năm và đã trải qua nhiều lần trùng tu. Ngôi chùa hiện nay được xây dựng lại từ nền ngôi chùa cũ bị tàn phá. Nhưng dù vậy chùa vẫn mang nét cổ kính truyền thống của Phật giáo Nam tông Khmer. Cổng chính của chùa được xây dựng theo truyền thống tam quan tượng trưng cho sự khởi đầu mới. Chính điện của chùa Vàm Ray là một công trình nguy nga, được chạm trổ công phu. Những bức tường bên trong chính điện được trang hoàng bằng những bức tranh tường rực rỡ màu sắc, kể về cuộc đời Đức Phật và những giáo lý của nhà Phật.
Địa chỉ: ấp Vàm Ray, huyện Trà Cú, Trà Vinh
Chùa Hang
Chùa Hang, tiếng Khmer gọi là Kompông Chrây là ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer nổi tiếng. Khách du lịch Trà Vinh đừng bỏ qua ngôi chùa này. Chùa được thành lập năm 1637 và đã trải qua 22 đời sư trụ trì. Năm 1968 chùa bị bom đạn tàn phá nặng nề. Năm 1977, chùa được phục dựng như ngày nay. Gọi là chùa Hang bởi cổng phụ phía tây được xây giống như một hệ thống 3 hang động sát nhau. Trong đó, cổng chính giữa là một hang lớn, hai cổng hai bên là hai hang nhỏ.
Chánh điện chùa nằm ở trên cao, được trang trí lộng lẫy với nhiều hoa văn, họa tiết. Mái của chánh điện được cấu tạo gồm nhiều lớp chồng lên nhau, trên đỉnh là chóp tháp cao vút, uy nghi. Bên trong chính điện là hai hàng cột cao lớn uy. Tượng Phật Thích Ca đặt trên cao, phía dưới là những tượng Phật Thích Ca nhỏ hơn. Đặc biệt, ngôi chùa nằm giữa khuôn viên hơn 2 ha cây xanh là nơi trú ngụ của nhiều loài chim và dơi. Đây là địa điểm được yêu thích vì không khí trong lành, yên tĩnh.
Địa chỉ: khóm 4, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, Trà Vinh
Khu du lịch sinh thái Rừng Đước
Khu rừng ngập mặn rừng đước trải dài qua các xã Long Vĩnh, Đông Hải và Long Khánh. Trong đó rừng thuộc xã Long Khánh rộng 882 ha, là nơi sinh trưởng của bần, mắm, đước và các loài cá nước lợ. Tham quan khu sinh thái rừng đước, du khách có thể tìm các homestay gần rừng đước để lưu trú và trải nghiệm cuộc sống rừng ngập mặn.
Địa chỉ: huyện Duyên Hải, Trà Vinh
Biển Ba Động
Biển Ba Động là danh thắng nổi tiếng cách trung tâm thành phố Trà Vinh 50 km. Khu du lịch có vị trí nằm giữa hai cửa biển Cung Hầu (sông Tiền), Định An (sông Hậu), nhìn chính diện ra biển Đông. Biển Ba Động là khu vực hiếm hoi ở miền Tây Nam bộ có bãi cát dài hơn 10 km từ ấp Nhà Mát tới ấp Cồn Trứng. Ba Động có bãi cát đẹp, nước biển khá trong, nhất là vào những tháng sau Tết Nguyên đán. Đến đây, du khách nên nghỉ lại qua đêm để ngắm bình minh và hoàng hôn trên biển. Du khách có thể thử trải nghiệm mô tô nước một cách an toàn.
Ẩm thực Trà Vinh
Cốm dẹp
Khách đến du lịch Trà Vinh cũng rất ấn tượng với các món ăn. Nhắc đến ẩm thực Trà Vinh, phải nhắc đến cốm dẹp. Cốm dẹp mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc với người Khmer. Đây là món quà tạ Trời Phật trong lễ hội Ok Om Bok. Để làm ra cốm dẹp là cả quá trình từ thu hoạch nếp, rang, giã, khâu nào cũng cần khéo léo, tỉ mỉ. Sau khi giã đều tay, người ta đem sàng để thu được cốm. Cốm trở nên hấp dẫn sau khi cho thêm dừa nạo, ít đường và nước cốt dừa. Cốm thành phẩm được đựng trong lá chuối tươi, càng tăng thêm phần ngon miệng.
Bánh tét
Trà Vinh rất nổi tiếng với bánh tét. Nhắc đến Trà Vinh là nhắc đến bánh tét thơm ngon. Để làm được những mẻ bánh chất lượng, loại gạo nếp được chọn cũng phải dẻo và thơm. Bánh tét thêm hấp dẫn với màu sắc nếp được làm từ rau củ quả. Màu xanh lá cây từ lá rau ngót, màu tím từ lá cẩm, màu cam từ gấc. Nhân bánh được làm từ đậu xanh bỏ vỏ, luộc qua nước sôi cho mềm. Thịt mỡ heo được cắt thành những khúc dài vừa với đòn bánh tét. Lá chuối gói bánh cũng phải là lá tươi. Bánh được gói rất tỉ mỉ, đẹp mắt.
Dừa sáp
Trà Vinh là thủ phủ dừa sáp với hơn 1000 héc ta. Dừa sáp đã có mặt tại mảnh đất này hơn trăm năm. Dừa sáp có lớp cơm dừa dày, mềm, dẻo đặc quánh cùng ít nước sệt, vị béo ngậy cùng hương thơm đặc trưng. Ngoài ăn trực tiếp, làm kem, làm sinh tố, dừa còn được sử dụng để sản xuất nhiều món khác. Tiêu biểu như kẹo dừa sáp, dừa sáp sợi, dừa sáp sấy, sữa chua được lên men từ nước dừa sáp…
Bún nước lèo
Bún nước lèo là món ăn đặc sản mà mọi khách du lịch Trà Vinh đều không thể bỏ qua. Món ăn có nguồn gốc từ người Khmer và hội tụ những điều độc đáo của nền ẩm thực Trà Vinh. Nghe qua tên bún nước lèo tưởng chừng đơn giản, nhưng lại là sự kết hợp giữa những nguyên liệu như thịt heo quay, mắm bò hóc, rau sống và nước lèo mang vị thanh ngọt tự nhiên từ cá, tôm.
Bún suông
Món ăn này nổi tiếng với những nguyên liệu được chọn lọc kỹ càng. Phần bánh của món ăn này được gọi là “suông” với sợi dày, bản to bằng khoảng ngón tay út. Bún được ăn kèm cùng chả tôm, giò heo và các loại rau sống kết hợp cùng nước lèo thơm ngon, đậm vị. Tất cả tạo nên một hương vị vô cùng đặc biệt cho món ăn này.
Bánh canh Bến Có
Tô bánh canh Bến Có mang lại hương vị thơm ngon, chất lượng với tỷ lệ thịt và bánh canh gần như bằng nhau. Nhờ vào hương vị và nguyên liệu đa dạng kết hợp cùng sợi bánh làm từ bột gạo khiến món ăn trở nên hấp dẫn. Phần nước dùng được ninh từ thịt và xương heo, mang đến vị thanh ngọt tự nhiên. Để ăn kèm với món bánh canh này, bạn có thể cho thêm vài lát ớt và một tí chanh để món ăn đậm đà hơn.
Bánh ống lá dứa
Bánh ống lá dứa là món bánh dân dã đặc sản ở Trà Vinh. Hương vị món ăn này sẽ gây thương nhớ cho thực khách. Bánh ống được làm từ gạo và nếp, được xay nhuyễn ra rồi đổ vào khuôn bánh có hình ống dài. Khi bánh chín sẽ có màu xanh nhẹ, nóng hổi, tỏa mùi thơm nức mũi.
Bánh rây
Trước đây, bánh có tên là “Ọm Chiếl” (cách gọi của đồng bào Khmer). Theo thời gian, dựa vào các bước trong khâu chế biến mà người ta còn gọi là bánh rây hoặc bánh dứa. Gọi là bánh rây vì dùng một cái rổ bằng lưới để rây bột xuống chảo. Còn với tên gọi bánh dứa là bởi nếp phải được xay chung với lá dứa. Khi bánh chín tỏa mùi thơm ngào ngạt và đặc trưng. Độ giòn mềm của bánh hoà lẫn vị ngọt thanh, vị béo của nếp, của dừa.
Những lễ hội truyền thống
Lễ hội Ok Om Bok
Những lễ hội còn là điểm nhấn đặc biệt của du lịch Trà Vinh. Lễ hội Ok Om Bok, hay lễ Cúng Trăng, là một trong những lễ hội quan trọng của đồng bào Khmer. Lễ hội diễn ra vào rằm tháng 10 âm lịch, mang ý nghĩa cảm tạ mặt trăng, vị thần đã ban phước lành, mưa thuận gió hòa. Các nghi thức chính bao gồm dâng lễ vật như cốm dẹp, chuối, dừa và các loại nông sản khác. Điểm nhấn của lễ hội là cuộc đua ghe ngo sôi động trên sông, thu hút đông đảo người dân và du khách. Các hoạt động khác diễn ra tại lễ hội như thả đen gió, kéo co, đập nồi.
Lễ hội Chôl Chnăm Thmây
Lễ hội Chôl Chnăm Thmây là tết cổ truyền của đồng bào Khmer, đánh dấu năm mới theo lịch Phật giáo. Đây là dịp để bày tỏ lòng biết ơn tổ tiên, cầu chúc an lành và mừng một khởi đầu mới. Trong lễ hội, người dân thực hiện nhiều nghi thức trang trọng. Ngày thứ nhất (Chôl sangkran Chmây) mọi người chuẩn bị lễ vật lên chùa làm lễ rước đại lịch. Ngày thứ hai (Wonbơf) làm lễ dâng cơm đến các nhà sư. Chiều làm lễ “Đắp núi cát” (Puôn phnôm khsach) trong khuôn viên chùa. Ngày thứ 3 (Lơm săk) làm lễ tắm tượng Phật.
Lễ hội Sen Dolta (Lễ cúng ông bà)
Lễ hội Sen Dolta, hay Lễ cúng ông bà, diễn ra vào cuối tháng 8 âm lịch. Đây là dịp để người Khmer tưởng nhớ tổ tiên, bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã khuất. Lễ hội thường được tổ chức tại gia đình và các chùa. Ngoài các nghi thức trang nghiêm, lễ hội còn có các hoạt động văn hóa dân gian. Trong ngày đầu, các gia đình tổ chức lễ họp mặt hay lễ rước ông bà. Sang ngày thứ hai, người Khmer sắm sửa lễ vật để vào chùa thực hiện lễ đặt bát hội. Ngày thứ ba là ngày cúng tiễn ông bà bằng một mâm cơm cúng.
Lễ hội Nghinh Ông
Lễ hội Nghinh Ông là lễ hội văn hóa tâm linh độc đáo diễn ra vào tháng 5 âm lịch hàng năm. Lễ hội nhằm tôn vinh cá Ông (cá Voi) – vị thần hộ mệnh trên biển. Điểm nhấn của lễ hội là nghi thức rước Ông Nam Hải từ biển vào bờ, diễn ra trang trọng và linh thiêng. Ngoài các nghi thức cúng tế truyền thống, lễ hội còn có các hoạt động vui tươi, sôi động khác.
Lễ Kathina
Lễ Kathina, hay lễ Dâng Y, diễn ra hàng năm vào khoảng tháng 10 dương lịch sau khi kết thúc mùa an cư kiết hạ. Lễ hội thể hiện lòng tôn kính của Phật tử đối với chư tăng. Trong lễ, các Phật tử dâng y phục và các vật phẩm thiết yếu cho chư tăng, kèm theo các nghi thức cầu an. Ngoài phần lễ trang nghiêm, lễ hội còn có các hoạt động văn hóa truyền thống như múa dân gian, hát nhạc Khmer và trò chơi dân gian.
Lễ hội Ông Tà (Đom Lơng Néak Tà)
Lễ hội Ông Tà diễn ra vào khoảng tháng 4, tháng 5 (dương lịch) tức vào đầu mùa mưa, trước hoặc sau tết Chol Chnam Thmây. Lễ hội nhằm tôn vinh Néak Tà (Ông Tà), người mang lại bình an, mùa màng bội thu và sự che chở. Trong lễ hội, người dân tổ chức các nghi thức cúng bái, dâng lên lễ vật như gạo, trái cây, nhang đèn. Lễ hội Đom Lơng Néak Tà trước đây thường kéo dài trong nhiều ngày. Hiện nay, đa phần được tổ chức trong 2 ngày. Lễ hội đã trở thành di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Lưu trú
Lưu trú khi du lịch Trà Vinh tập trung chủ yếu ở thành phố Trà Vinh. Tại đây, du khách có thể chọn khách sạn The Rose, Văn Thái Bình, Trà Vinh Lodge, Vilabasi Tháp Cổ… hoặc nhà nghỉ, homestay như Malis homestay, Huỳnh Yên, Lucky…
iVIVU gợi ý một số tour miền Tây hấp dẫn:
Tour Miền Tây Trong Ngày: HCM – Mỹ Tho – Bến Tre
Tour Miền Tây 2N1Đ: Hành Trình Mỹ Tho – Bến Tre – Cần Thơ
Tour Miền Tây 4N3Đ: Sài Gòn – Mỹ Tho – Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng – Cà Mau – Bạc Liêu
Theo iVIVU.com
Xem thêm bài viết:
Cẩm nang du lịch Cà Mau từ A đến Z
Click đặt ngay khách sạn khắp Việt Nam và toàn thế giới giá tốt nhất chỉ có tại iVIVU.com!
***
Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com